Những câu hỏi phỏng vấn ngành Kế toán thường gặp

Đối với các cử nhân ngành Kế toán mới ra trường nói riêng và tất cả các ngành học khác nói chung nỗi lo lắng mang tên “Đi phỏng vấn” là đều khó có thể tránh. Dù bạn là một sinh viên xuất sắc khi còn đi học, dù bạn có nhiều kỹ năng chuyên ngành thì các nhà tuyển dụng vẫn có thể đặt ra những câu hỏi để làm khó bạn. Chính vì lẽ đó, bài viết này sẽ đúc kết cho bạn những câu hỏi phỏng vấn ngành Kế toán thường gặp nhất, từ đó bạn có thể tự tin hơn khi đi phỏng vấn.

Phỏng vấn ngành Kế toán
Những câu hỏi phỏng vấn ngành Kế toán thường gặp nhất
  1. Bạn hãy giới thiệu sơ về bản thân cũng như kinh nghiệm làm việc.

Đây là câu đơn giản nhưng hầu hết nhà tuyển dụng nào cũng hỏi, mục đích là để kiểm chứng lại độ xác thực của 1 số điểm trong CV của bạn mà thôi. Với câu hỏi này, bạn chỉ nói nhanh về ngành học của bạn và các công ty bạn đã làm việc, cố gắng nhấn mạnh những kinh nghiệm có liên quan đến vị trí đang phỏng vấn, tuyệt đối không nói về đời sống cá nhân như sở thích…

  1. Theo bạn, đâu là ba kỹ năng của một kế toán giỏi?

Bạn lưu ý là nhà tuyển dụng cần biết 3 kỹ năng của một kế toán giỏi chứ không phải hỏi bạn giỏi kỹ năng nào. Không có câu trả lời cố định cho câu hỏi này vì nó phụ thuộc vào vị trí bạn tuyển dụng là gì nhưng tôi gợi ý cho bạn 1 số kỹ năng của một kế toán giỏi: giỏi toán, cẩn thận, chi tiết, giỏi hệ thống (tất cả kế toán), kỹ năng phân tích, tư duy logic, kỹ năng dự báo (trưởng phòng tài chính, kế toán trưởng).

  1. Bạn đã sử dụng những phần mềm kế toán nào?

Với câu hỏi này, mục đích của nhà tuyển dụng là câu hỏi tiếp theo sau khi bạn trả lời câu hỏi này: Bạn đánh giá thế nào về những phần mềm đó, cái nào tốt nhất? Bạn phải thể hiện được thế mạnh về hệ thống trong câu hỏi này, cố gắng nêu ưu nhược điểm của từng hệ thống. Thật sự nếu bạn không giỏi hệ thống thì cũng khó giỏi về kế toán vì ngày nay công ty nào không xài hệ thống ERP. Và cũng đừng quên đề cập đến excel nếu bạn giỏi excel vì nó hỗ trợ rất tích cực trong công việc kế toán và tài chính.

  1. Bạn đã từng làm những báo cáo kế toán, tài chính nào?

Hãy trả lời những báo cáo nào bạn biết và nếu có liên quan đến công việc đang phỏng vấn càng tốt, lưu ý là có thể người phỏng vấn sẽ hỏi bạn chi tiết hơn trong báo cáo bạn nêu.

  1. Những quy trình kế toán nào bạn đã viết hoặc chỉnh sửa?

Nếu bạn đã từng viết quy trình kế toán thì câu này quá đơn giản nhưng nếu bạn chưa viết thì ngay bây giờ hãy lấy các quy trình hiện tại của công ty bạn và đọc, cố gắng hiểu các quy trình thì bạn sẽ trả lời được câu hỏi này dễ dàng.

Mẹo đi xin việc ngành Kế toán
Tự tin là một trong những yếu tố quan trọng khi bạn trả lời các câu hỏi phỏng vấn
  1. Theo bạn thì công việc kế toán có những khó khăn nào?

Câu này bạn có thể nêu về hệ thống pháp luật Việt Nam đang đổi mới nên quy định về thuế và kế toán thay đổi liên tục, thị trường kinh doanh canh tranh nên cầu của ban giám đốc về số liệu kế toán cũng nhanh hơn, chính xác hơn và cụ thể hơn…

  1. Hãy nêu một khó khăn / sự cố kế toán mà bạn đã giải quyết thành công.

Câu này bạn tập trung vào những khó khăn, thử thách bạn đã phải đối mặt khi giải quyết vấn đề đó, kết quả là tiết kiệm tiền, giảm rủi ro, giảm phạt…như sự cố về hệ thống, sự cố thanh tra thuế…

  1. Làm sao để đảm bảo bạn hay nhân viên của bạn không có phạm sai lầm trong công việc?

Phạm sai lầm là chuyện thường tình của con người nhưng kế toán là liên quan đến tiền và pháp luật nên mục tiêu là phải zero mistake. Tôi bật mí các bạn 1 bí kíp để hạn chế sai sót trong kế toán là luôn luôn tìm một mốc để đối chiếu số liệu, mốc đối chiếu có thể là số liệu phòng khác, sổ chi tiết-sổ cái, tháng trước, năm trước, tính toán bên ngoài…

  1. Bạn sẽ làm được gì cho công ty chúng tôi?

Câu này thường được hỏi cho các vị trí kế toán trưởng trở lên, câu trả lời sẽ tùy thuộc và tình trạng của doanh nghiệp đang tuyển dụng. Nếu một công ty đang xây dựng thì nhiệm vụ quan trọng sẽ là tối ưu TSCĐ (Capex) và thuế nhà thầu, nếu một công ty đang gặp vấn để về dòng tiền thì cần tối ưu vốn lưu động…

  1. Bạn sẽ làm gì nếu bảng cân đối tài khoản không cân?

Về nguyên tắc, bảng cân đối tài khoản là phải cần cù hệ thống bao giờ cũng kiểm tra bút toán kép rồi, nếu không cân thì chỉ cần kiểm tra lại số dư đầu kỳ mang sang, phát sinh trong kỳ và số dư cuối kỳ có thiếu tài khoản mới nào không, dùng excel kiểm tra làm tròn số thập phân.

  1. Bạn quản lý nhân viên như thế nào?

Quản lý nhân sự là cả một nghệ thuật và nó vô cùng linh động nên câu trả lời nó tùy thuộc vào phong cách quản lý của bạn là khéo léo hay thân thiện, đa số kế toán thì quản lý theo kiểu thân thiện. Tuy nhiên, phong cách gì cũng cần tuân thủ quy tắc: Theo dõi –> kiểm tra –> đánh giá –> hỗ trợ/ điều chỉnh để đạt mục tiêu chung của phòng và công ty.

  1. Vì sao bạn muốn chuyển việc?

Nếu bạn đã đi làm thì câu này 99% nhà tuyển dụng sẽ tò mò muốn biết lý do tại sao bạn quyết định nhảy việc. Đây không phải là câu hỏi đơn giản vì chỉ cần không khéo léo, bạn có thể dễ dàng bị mất điểm trước nhà tuyển dụng.. Nếu bạn qua một công ty lớn hơn hay vị trí cao hơn thì hãy trả lời “phát triển nghề nghiệp”, nếu bạn về gần nhà hơn thì “cho gần nhà”, bí quá thì hãy nói “thay đổi môi trường”, tuyệt đối không chê công ty cũ, tránh phàn nàn về mức lương, chán công việc, mâu thuẫn với sếp, khó thăng tiến,…

  1. Vì sao bạn nghĩ bạn phù hợp cho vị trí này? hoặc hãy nêu lý do chúng tôi nên tuyển bạn cho vị trí này?

Để trả lời câu hỏi này bạn phải đọc kỹ bản mô tả công việc (job description), cố gắng làm nổi bật nhấn mạnh đến những kinh nghiệm bạn đang có liên quan đến các yêu cầu trong bản mô tả công việc và kết luận rằng với những thế mạnh và kinh nghiệm của tôi thì rất phù hợp với yêu cầu của công việc.

  1. Điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì?

Bạn nêu những điểm mạnh liên quan đến các kỹ năng mà công ty đang yêu cầu và những điểm yếu mà ít liên quan đến công việc đang cần.

nguyên tắc khi đi phỏng vấn
Hãy chú ý đến trang phục khi đi phỏng vấn!

Ngoài ra, còn vô số những câu hỏi khác mà nhà tuyển dụng ngành Kế toán có thể hỏi bạn tùy thuộc vào từng hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng: bạn phải nắm thật rõ mọi thông tin liên quan đến cơ quan mà bạn muốn xin ứng tuyển; ngoài ra, bạn cũng nên đặt các câu hỏi cho nhà tuyển dụng để chứng minh bạn thật sự quan tâm đến công việc này. Hãy ghi nhớ nhé!