Kiến thức kỹ năng
Tại sao bạn vẫn chưa tiết kiệm được tiền?
Bạn đã trải qua tình trạng lương về nhưng lại “không cánh mà bay” chỉ sau 1 tuần? Tiền tiêu 1 tháng của bạn nhưng lại chỉ đến ngày 15 đã “viêm màng túi”? Rõ ràng là không tiêu gì mà vẫn nhẵn túi, chẳng lẽ tiền “có chân mà chạy” thật sao? Hãy cùng tìm hiểu lí do vì sao cứ mãi “nghèo” nhé.
Không theo dõi tình hình chi tiêu
Đa phần mọi người đều không có sổ theo dõi thu chi của mình. Mỗi ngày bạn chi ra mấy chục, mấy trăm nghìn, nghe thì không nhiều nhặn gì nhưng cuối tháng, hoặc thậm chí cuối ngày cộng lại chi tiêu thôi thì đã ra con số khổng lồ rồi.
Do vậy, chúng ta nên tập thói quen ghi lại tình hình thu chi của bản thân và gia đình, đến cuối ngày hoặc cuối tuần, tháng tổng kết lại, chúng ta sẽ nắm được mọi hoạt động chi tiêu của chúng ta, cái nào hợp lí và cái nào là phung phí. Từ đó chúng ta sẽ có thể kiểm soát được hoạt động chi tiêu của mình đấy.
Không thể nói “không” với những điều mình muốn
Bạn đi siêu thị, lân la đến các quầy hàng và phát hiện quá trời hàng sale giá rẻ? Có rất nhiều món đồ đang đại hạ giá, cho dù có thật sự cần thiết hay không thì bạn vẫn “vơ vét” hết vào giỏ hàng của mình. Đây chính là lúc bạn phải thật lí trí và nghiêm khắc với bản thân đấy. Cho dù là rẻ đi chăng nữa, nhưng nếu không phải là đồ bạn cần đến thì nó cũng sẽ trở nên vô dụng, và bạn đã lãng phí một món tiền vô ích cho thứ đồ mình không dùng đến.
Chưa kể, giới trẻ thời nay thích chạy theo trào lưu, cái gì hot, cái gì mới cũng đều muốn sắm sửa cho bằng bạn bằng bè. Bởi thế không hề khó để trả lời câu hỏi “vì sao tiền cứ…mất đi đâu hết”. Hãy học cách trì hoãn sự mong muốn của mình lại và tiết kiệm tiền cho những mục tiêu cụ thể và sắp xếp một thứ tự ưu tiên cho các khoản chi tiêu nhé.
Không có mục tiêu để tiết kiệm tiền
Không có mục tiêu để tiết kiệm cũng là một việc khiến bạn vẫn mãi không thể để dành tiền được. Nhiều người ước ao mua được một mảnh đất, xây một căn nhà, mua ô tô mới, đi du lịch đây đó,… nhưng lại không có khái niệm gì về một con số cụ thể. Mọi thứ cứ thế trở nên mông lung, và khi bạn chưa kịp đề ra mục tiêu của mình thì tiền đã “mọc cánh mà bay” rồi.
Cho dù muốn hay không muốn, bạn vẫn nên có ít nhất một khoản tiết kiệm phòng ngừa những trường hợp khẩn cấp như bệnh tật, tai nạn,… Do đó, bạn nên bắt đầu bằng cách đề ra con số cuối cùng, và bắt đầu tiết kiệm nhiều nhất có thể. Ví dụ, bạn cần để dành tầm 20 triệu đồng cho chuyến đi du lịch nước ngoài của mình, hãy xác định mức lương hàng tháng của mình như thế nào, có thể để dành được bao nhiêu tiền và để dành trong bao lâu mới có thể hoàn thành mục tiêu ấy.