Kiến thức kỹ năng
Xu hướng phát triển nghề kiểm toán nội bộ tại Việt Nam
Xu hướng phát triển nghề kiểm toán nội bộ tại Việt Nam
Bộ phận kiểm toán nội bộ đang là nhu cầu tất yếu đối với hoạt động quản trị doanh nghiệp, kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Hiện nay, tại Việt Nam, kiểm toán nội bộ đang được nhận thức và quan tâm một cách đầy đủ, đúng mức. Bài viết hôm nay sẽ giới thiệu một số xu hướng phát triển của kiểm toán nội bộ tại Việt Nam trong những năm tới, cụ thể như sau:
Thứ nhất, bản chất của Kiểm toán nội bộ có sự thay đổi, từ chỗ là một bộ phận thành một chức năng trong tổ chức.
Trước đây, kiểm toán nội bộ được hiểu là một bộ phận được thiết lập bên trong một công ty hay tổ chức. Cách hiểu này tồn tại suốt một khoảng thời gian dài và được tìm thấy trong nhiều phát biểu của giới nghiên cứu cũng như các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp liên quan. Tuy nhiên, giai đoạn gần đây bắt đầu xuất hiện những quan điểm hiện đại về kiểm toán nội bộ (KTNB), trong đó kiểm toán nội bộ được nhìn nhận mở hơn.
Theo Viện Kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ (2010), KTNB là một chức năng độc lập trong nội bộ đơn vị: “KTNB là hoạt động xác nhận và tư vấn mang tính độc lập, khách quan được thiết lập nhằm tạo ra giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả hoạt động của một tổ chức. KTNB giúp cho tổ chức đạt được các mục tiêu của mình thông qua việc tạo ra một cách tiếp cận có hệ thống, có tính kỷ luật để đánh giá, nâng cao hiệu lực của quy trình quản trị DN, quy trình kiểm soát và việc quản lý rủi ro”.
Như vậy, quan điểm coi KTNB là một bộ phận được thiết lập bên trong một tổ chức không còn phù hợp nữa, đã có sự thay đổi khái niệm KTNB hiện đại theo hướng chuyển từ bộ phận KTNB sang KTNB, các tổ chức có thể hoàn toàn tự vận hành KTNB hoặc thuê ngoài thực hiện chức năng này.
Thứ hai, có sự thay đổi trọng tâm và mở rộng phạm vi của Kiểm toán nội bộ.
KTNB không chỉ hướng đến đánh giá thông tin trong quá khứ mà còn phải hướng đến đánh giá thông tin trong tương lai thông qua các dự báo và dự toán, không chỉ tập trung vào thông tin tài chính mà hướng đến các thông tin phi tài chính.
Đóng góp nổi bật của KTNB theo quan điểm mới là tạo ra giá trị gia tăng và cải thiện hoạt động của tổ chức xuất phát từ chức năng đảm bảo. Giá trị gia tăng được tạo ra thông qua việc cải thiện các cơ hội để đạt được mục tiêu của tổ chức, giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn thông qua việc kiểm tra, đánh giá và tư vấn.
Trọng tâm của KTNB chuyển sang tiếp cận rủi ro, KTNB trở thành cơ chế quản trị doanh nghiệp trung tâm. Phạm vi hoạt động của KTNB bao quát hơn liên quan tới kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro và quản trị doanh nghiệp nhằm giúp nhà quản lý hoàn thành mục tiêu; hướng tới chức năng đảm bảo và tư vấn với tính chủ động và tập trung vào khách hàng.
Thứ ba, vai trò của Kiểm toán nội bộ ngày càng được quan tâm.
Những năm gần đây, sau các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và các vụ bê bối liên quan đến sự sụp đổ của các công ty và tập đoàn lớn, vai trò của KTNB được quan tâm ngày càng tăng, KTNB trở thành cơ chế quản trị doanh nghiệp trung tâm, kiểm toán viên nội bộ được coi là những người chủ chốt trong tổ chức.
Thậm chí trong xu hướng mới là doanh nghiệp ngày càng trông đợi KTNB phải trở thành cố vấn tin cậy giúp mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp trong hoạt động tư vấn, thậm chí đối với những quyết định mang tính chiến lược. Nghĩa là, bộ phận KTNB không còn dừng ở vai trò giám sát tính tuân thủ nữa.
Thậm chí, tại một số nước có thị trường chứng khoán phát triển như: Hoa Kỳ, Australia, các công ty niêm yết đều được yêu cầu phải có KTNB hiệu quả như một phần của cấu trúc quản trị. Điều này được ghi nhận rõ ràng trong các điều luật quan trọng như Đạo luật Sarbenes – Oxley (2002) của Hoa Kỳ.
Thứ tư, việc lựa chọn nhân sự cho kiểm toán nội bộ từ bên ngoài đang trở thành xu hướng.
Một xu hướng về nhân sự cho KTNB đã nổi lên và đang ngày càng được các tổ chức cũng như giới nghiên cứu quan tâm đó là “thuê ngoài KTNB”. Điều này được nhận thấy rõ nét qua các nghiên cứu thực nghiệm về KTNB của nhiều tác giả ở thập niên 1980-1990 và cũng được thể hiện qua các báo cáo, quy định của các cơ quan tổ chức như Ủy ban Treadway (1987), Ủy ban COSO (1992) và Đạo luật Sarbanes Oxley (2002).
Thứ năm, xu hướng áp dụng mô hình quản trị hiện đại.
Các mô hình tổ chức KTNB phổ biến tại doanh nghiệp là: (i) Hoàn toàn tự lực; (ii) Tự lực một phần với hỗ trợ từ bên ngoài hoặc (iii) Thuê ngoài hoàn toàn.
Các doanh nghiệp, nhất là những tập đoàn kinh tế lớn có xu hướng thiết lập Ủy ban kiểm toán (UBKT), bên cạnh ủy ban tài chính và ủy ban tổ chức trực thuộc hội đồng quản trị. UBKT do thành viên hội đồng quản trị độc lập trực tiếp phụ trách, quản lý trực tiếp KTNB của DN, thực hiện chức năng giám sát hội đồng quản trị và ban giám đốc.
Ở Việt Nam, việc xây dựng kiểm toán nội bộ trong doanh nghiệp chắc chắn sẽ phát triển trong thời gian tới cùng với sức phát triển của thị trường kinh tế.
Ở Việt Nam, việc xây dựng kiểm toán nội bộ trong doanh nghiệp chắc chắn sẽ phát triển trong thời gian tới cùng với sức phát triển của thị trường kinh tế Việt Nam. Sự đòi hỏi của các nhà đầu tư về một hệ thống quản trị chuyên nghiệp sẽ buộc các doanh nghiệp phải chú ý xây dựng hệ thống kiểm toán nội bộ sao cho thật hiệu quả. Hi vọng với sự phát triển tất yếu của mình, Kiểm toán nội bộ vẫn giữ được vai trò độc lập và khách quan, nhằm đem lại giá trị và cải tiến công tác quản lý ở doanh nghiệp thông qua việc tăng cường kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro.