Nguồn gốc & Khái niệm về Thuế

Cho đến thời điểm này, chưa một ai xác định rõ ràng vùng lãnh thổ nào trên trái đất khai sinh ra THUẾ, song một điều không thể phủ nhận là Thuế gắn liền với sự tồn tại và phát triển của Nhà nước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Từ nguyên sơ, con người sống chung để liên kết với nhau trong quá trình lao động, thông qua quá trình lao động con người đã tích lũy được kinh nghiệm, cải tiến công cụ lao động, một số người đã bắt đầu tạo ra nhiều của cải hơn mức cần thiết cho cuộc sống bình thường, bắt đầu dư thừa và giàu có và đã đến lúc họ thoát ly lao động và mướn người làm thay.

Bắt đầu từ lúc này. họ trở lên có thế lực và được nhiều người kính nể, được đề cử làm đại diện cho bộ lạc và những người này dần dần trở thành người đứng đầu “chính quyền” và cuối cùng cũng phát triển thành Nhà nước.

Nên có thể nói rằng những người tham gia bộ máy nhà nước là những người không tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất vì vậy cần phải có nguồn tài chính để nuôi bộ máy quản lý công việc của Nhà nước để chi tiêu cho những công việc thuộc các chức năng như: quốc phòng, an ninh, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, chi cho các vấn đề về phúc lợi công cộng, về sự nghiệp, về xã hội trước mắt và lâu dài. 

Xã hội càng phát triển thì nhu cầu chi tiêu của Nhà nước càng lớn về quy mô và phạm vi chi tiêu. Nguồn tài chính đáp ứng nhu cầu chi tiêu trên chỉ có thể trích ra từ nguồn động viên đóng góp một phần thu nhập của các tầng lớp dân cư lao động trực tiếp trong xã hội. Nhà nước thường có ba cách để động viên một phần thu nhập xã hội cho nguồn ngân sách Nhà nước: 

  • Quyên góp, 
  • Vay 
  • Áp dụng  quyền lực để bắt buộc người dân phải đóng góp.

Hai hình thức đầu phụ thuộc vào tính tự nguyện và tự giác của dân chúng, hình thức thứ ba là quyền lực buộc dân phải đóng góp một phần thu nhập của mình cho Nhà nước –  đây chính là “Thuế”. Và nhà nước dùng nguồn tiền thu từ thuế tác động đến mọi hoạt động kinh tế – xã hội như tiết kiệm, đầu tư, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, giá cả, thị trường, việc làm, thất nghiệp, công bằng xã hội,… 

Nền kinh tế hiện nay ngày càng phát triển do đó sẽ có nhiều chính sách thuế mới được ra đời khiến hệ thống thuế trở nên đa dạng, linh hoạt và tác động sâu rộng đến mọi hoạt động kinh tế- xã hội Vì vậy nhà nước cần phải có các biện pháp quản lý thu thuế hợp lý, hiệu quả nhằm phát huy được những tác động tích cực của thuế đối với hoạt động kinh tế- xã hội trong từng thời kỳ phát triển xã hội