Những khó khăn bạn sẽ phải gặp khi đi thực tập lần đầu

Nghe đến hai chữ “thực tập”, chắc hẳn sẽ có rất nhiều bạn sinh viên cảm thấy háo hức khi sắp được “thả” vào môi trường làm việc thực sự, nhưng cũng sẽ có không ít bạn lại cảm thấy bồn chồn, lo lắng, không biết mình có thích ứng được với công việc và có thể hoàn thành tốt không.

Đồng ý rằng khi thử thách một môi trường mới có nghĩa là sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn cho lần đầu đó. Nhưng các bạn sinh viên ơi, đừng vội lo nhé. Đã có nganhketoan.edu.vn bên cạnh bạn chia sẻ về những khó khăn mà bạn có thể gặp và cách xử lý rồi.

Môi trường làm việc khác xa với lý thuyết học trên trường

Đây có lẽ là điều khiến các bạn sinh viên cảm thấy bỡ ngỡ nhất khi bước chân vào môi trường làm việc thực tế, bởi những lý thuyết mình học ở trên trường hầu như chẳng thể vận dụng được mấy vào công việc mình đảm nhận. Sẽ có không ít bạn cảm thấy mình hầu như phải bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh và học hỏi lại từ đầu.

Ngoài ra, công việc bàn giấy đòi hỏi nghiệp vụ chuyên môn như kế toán, tin học, các kỹ năng mềm như báo cáo, làm việc nhóm,… có thể sẽ khiến bạn hối tiếc vì đã không học hành chăm chỉ ở những buổi thực hành trên trường đấy.

Thực tập lần đầu sẽ khiến bạn gặp nhiều bỡ ngỡ
Thực tập lần đầu sẽ khiến bạn gặp nhiều bỡ ngỡ

Tuy nhiên các bạn đừng vội lo lắng quá nhé, bởi đây chỉ mới là đi thực tập thôi. Do đó bạn sẽ có rất nhiều cơ hội để tiếp xúc, làm quen với công việc của mình, với môi trường làm việc và nhanh chóng rút ngắn khoảng cách lý thuyết và thực tế. Và cũng chính vì bạn đang đi thực tập nên chẳng may có vấp váp, sai sót điều gì cũng sẽ được thông cảm ở một mức độ nhất định thôi.

Nhưng điều đó không có nghĩa bạn cứ ỷ y rằng mình đang đi thực tập mà không có tinh thần học hỏi, cầu tiến nhé. Thay vì thụ động chờ các anh chị hướng dẫn công việc cho mình, các bạn hãy vận dụng tối đa khả năng quan sát, để ý cách làm việc của những người có kinh nghiệm xung quanh mình, tự mày mò, tìm hiểu và khi nào thực sự cần hãy nhờ đến sự trợ giúp của các anh chị nhé.  

Bối rối với công việc hành chính

Khi được giao nhiệm vụ làm báo cáo hoặc đánh lại biên bản, hợp đồng, bạn không biết phải làm như thế nào cho chuẩn với mẫu báo cáo, hợp đồng hiện nay?

Bạn gặp rắc rối với văn bản hành chính? Bây giờ chỉ là chuyện nhỏ
Bạn gặp rắc rối với văn bản hành chính? Bây giờ chỉ là chuyện nhỏ

Không cần phải lo lắng nhiều vì đây cũng là cơ hội để bạn tìm hiểu kỹ hơn về các thể loại văn bản hành chính và chuẩn bị tốt hơn cho công việc sau này của mình đấy. Trước khi hỏi các anh chị hướng dẫn, bạn hãy:

– Tìm kiếm kĩ hơn liệu khi giao việc anh/chị có đính kèm bất kì văn bản mẫu nào không?

– Tìm các văn bản mẫu sẵn có trên Google.

Nếu đó là những văn bản quan trọng và cần được làm theo mẫu sẵn của công ty, cơ quan, lúc này bạn hãy chủ động hỏi các anh chị hướng dẫn có thể gửi cho bạn xem những văn bản trước đó để tham khảo nhé.

Áp lực thời gian khi đi thực tập

Là sinh viên, bạn đã quen với việc giờ giấc thoải mái, thích ăn là ăn, thích ngủ là ngủ đúng không nào? Tuy nhiên khi đi thực tập, cũng như đi làm chính thức, bạn phải về lại quy củ giống thời học sinh như: đi làm đúng giờ (thậm chí nên đi sớm hơn từ 5-10 phút), báo cáo, họp hành phải đến sớm và chuẩn bị trước 30 phút,… Chưa kể, bạn phải hoàn thành deadline đầy đủ trước khi đến công ty. Với một sinh viên đang thoải mái giờ giấc là thế, thì thật khó thích nghi với việc phải tuân thủ giờ giấc đúng quy định.

Tuy nhiên, không sớm thì muộn bạn sẽ vẫn phải tập thích nghi, tuân thủ theo đúng giờ giấc quy định của cơ quan, công ty mình. Hãy xem như kỳ thực tập này giúp bạn rèn luyện thói quen đúng giờ, cũng như xây dựng tác phong nghề nghiệp chuẩn mực hơn cho sau này. Để có thể rèn luyện được thói quen tốt ấy, bạn nên:

– Sinh hoạt giờ giấc điều độ. Thay vì thức trắng đêm như thời sinh viên, bạn hãy tập đi ngủ sớm lúc 10-11h, mỗi ngày ngủ đủ 8 tiếng, như vậy sẽ có đủ năng lượng và sức khỏe làm việc trong ngày hôm sau đấy.

– Điều chỉnh lại thời gian biểu hợp lý và cân bằng. Khi được giao công việc, bạn nên ghi chú lại những việc mình cần làm và giải quyết trong thời gian mình đề ra, tránh để xảy ra tình trạng “nước đến chân mới nhảy” nhé.