Cơ hội nghề nghiệp
5 Lý do khiến ngành Kế toán luôn hấp dẫn
Qua bao mùa tuyển sinh, Kế toán vẫn luôn mà một trong những ngành được đông đảo thí sinh dự thi quan tâm và đăng ký nhất. Vì sao ngành này lại có “sức hút” đặc biệt đến vậy? Hãy cùng nganhketoan.edu.vn khám phá 5 lý do khiến ngành Kế toán mãi vẫn chưa chịu “giảm nhiệt” nhé.
Tuyển sinh ngành kế toán
1/ Học tất tần tật với ngành Kế toán
Khi theo học ngành Kế toán, ngoài việc được cung cấp kiến thức nền tảng và chuyên sâu về kế toán – kiểm toán, sinh viên còn được trau dồi kỹ năng tin học, có thể sử dụng thành thạo Word, Excel, PowerPoint,… đáp ứng nhu cầu công việc không chỉ trong lĩnh vực kế toán, kinh tế mà còn ở nhiều ngành nghề khác. Ngoài ra trong quá trình đào tạo, sinh viên sẽ được trau dồi các kỹ năng mềm khác như kỹ năng làm việc theo nhóm, làm việc độc lập, khả năng giao tiếp và có kỹ năng thuyết trình, có khả năng tự nghiên cứu để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tế công tác cũng như tự học, tự rèn luyện để nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn. Đặc biệt, nhiều trường đào tạo kế toán còn yêu cầu sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy phải có trình độ tiếng Anh Toeic 500 trở lên, đây cũng là lợi thế giúp các bạn sinh viên tự tin hơn khi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp nước ngoài, hoặc có cơ hội thăng tiến cao hơn trong sự nghiệp.
2/ Cơ hội việc làm rất lớn
Trong thời đại hội nhập kinh tế, số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam tăng nhanh như “nấm mọc sau mưa”, tính đến hiện tại đã có 561.064 doanh nghiệp đang hoạt động. Nếu như mỗi doanh nghiệp cần khoảng 3-4 kế toán viên, thậm chí là 5-6 người ở các doanh nghiệp lớn hơn, thì chắc hẳn nhu cầu nhân lực của ngành này phải lên đến hàng chục triệu. Chỉ bằng một phép tính nhỏ nhưng cũng đủ khẳng định sinh viên chuyên ngành Kế toán ra trường tự tin không lo thiếu việc làm.
Không chỉ có cơ hội việc làm lớn, ngành Kế toán lại khá đa dạng trong lĩnh vực nghề nghiệp, bởi bất cứ cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào cũng đều phải tiến hành công việc kế toán, từ giải trí, bưu điện, ngân hàng,…cho đến các trường học, bệnh viện, siêu thị,… Do đó, sinh viên ngành này có thể thử sức ở nhiều ngành nghề khác nhau nhưng vẫn có thể đảm bảo chuyên môn Kế toán luôn ổn định.
3/ Công việc khá ổn định
Quả thực, công việc kế toán không có nhiều “biến động” như các ngành nghề khác, chủ yếu xoay quanh việc lập báo cáo, kế hoạch tài chính, làm sổ sách,… Nội dung công việc lại ít khi thay đổi và nếu đã thành thục thì công việc này sẽ…không thể làm khó bạn được nữa. Có thể nói, Kế toán là ngành nghề được coi là rất ổn định bên cạnh nghề giáo viên, đặc biệt phù hợp với các bạn nữ khi sẽ có nhiều thời gian chăm sóc gia đình hơn và không phải đi công tác xa hay làm ngoài giờ liên tục như những công việc khác. Với mức thu nhập ổn định từ 8-10 triệu/tháng, Kế toán đang là ngành nghề được số đông các bạn nữ quan tâm và theo học.
4/ Tính chất công việc luôn đổi mới
Tuy ổn định là vậy nhưng không có nghĩa ngành Kế toán sẽ…nhàm chán đâu nhé. Trong bối cảnh công nghệ hóa – hiện đại hóa đất nước, người kế toán luôn phải chủ động tham khảo, tìm hiểu và áp dụng các chính sách, chế độ mới của Nhà nước, các quy định mới của công ty về quản lý kinh tế và tài chính để hoàn thành tốt công việc. Không chỉ vậy, họ còn phải thường xuyên cập nhật tình hình kinh tế, cũng như các chính sách đang hiện hành để có thể tham mưu cho lãnh đạo, giúp cơ quan, doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
5/ Chìa khoá mở ra nhiều cánh cửa
Có thể các bạn sinh viên sẽ nghĩ học ngành Kế toán sau này ra trường chỉ làm Kế toán viên mà thôi, tuy nhiên suy nghĩ ấy lại hoàn toàn sai lầm nhé. Ngành Kế toán sẽ trang bị cho bạn tất cả những kiến thức cần thiết về kế toán – kiểm toán, kinh tế, thuế, quản trị rủi ro, tài chính tiền tệ,… Do đó, ngoài công việc kế toán viên, các bạn hoàn toàn có thể lựa chọn một công việc khác phù hợp với mình hơn như làm kiểm toán độc lập, kiểm toán nội bộ, kiểm soát viên, tư vấn kinh doanh, thuế, tư vấn về gian lận,… Thực tế, đã có rất nhiều những chuyên gia trong các lĩnh vực kiểm soát, rủi ro, thuế,… đều có xuất phát điểm từ ngành Kế toán đấy!