Kiến thức kỹ năng
Những nguyên tắc Kế toán cơ bản nhưng vô cùng cần thiết
Nguyên tắc kế toán là những chuẩn mực; quy ước; chỉ dẫn; hướng dẫn cơ bản nhất mà tất cả các tổ chức, doanh nghiệp phải thực xuyên suốt trong quá trình thực hiện các công việc kế toán và lập các báo cáo tài chính nhằm đảm bảo độ tin cậy thông tin tài chính kế toán cung cấp cho nhiều đối tượng khác nhau. Dưới đây sẽ là những nguyên tắc Kế toán cơ bản nhưng vô cùng cần thiết mà bất cứ ai làm trong ngành Kế toán đều phải biết.
Nguyên tắc khách quan
Các báo cáo tài chính, tài liệu của một tổ chức dựa trên bằng chứng vững chắc, khách quan. Mục đích đằng sau nguyên tắc này là để giữ cho việc quản lý và bộ phận kế toán của một doanh nghiệp hoàn toàn độc lập khách quan khi đưa ra các báo cáo tài chính.
Nguyên tắc phù hợp
– Việc ghi nhận doanh thu và chi phí phải phù hợp với nhau. Khi ghi nhận một khoản doanh thu thì phải ghi nhận một khoản chi phí tương ứng có liên quan đến việc tạo ra doanh thu đó. Chi phí tương ứng với doanh thu gồm chi phí của kỳ tạo ra doanh thu và chi phí của các kỳ trước hoặc chi phí phải trả nhưng liên quan đến doanh thu của kỳ đó.
– Chi phí tương ứng với doanh thu bao gồm:
+ Chi phí của kì tạo ra doanh thu, đó là các chi phí đã phát sinh thực tế trong kì và liên quan đến việc tạo ra doanh thu của kì đó.
+ Chi phí của các kì trước hoặc chi phí phải trả nhưng liên quan đến doanh thu của kì đó.
Như vậy, chi phí được ghi nhận trong kì là toàn bộ các khoản chi phí liên quan đến việc tạo ra doanh thu và thu nhập của kì đó không phụ thuộc khoản chi phí đó được chi ra trong kì nào
Quy định hạch toán phù hợp giữa doanh thu và chi phí nhằm xác định và đánh giá đúng kết quả kinh doanh của từng thời kì kế toán giúp cho các nhà quản trị có những quyết định kinh doanh đúng đắn và có hiệu quả.
Nguyên tắc nhất quán
Các chính sách và phương pháp kế toán doanh nghiệp đã chọn phải được áp dụng thống nhất ít nhất trong một kỳ kế toán năm. Trường hợp có thay đổi chính sách và phương pháp kế toán đã chọn thì phải giải trình lý do và ảnh hưởng của sự thay đổi đó trong phần thuyết minh báo cáo tài chính.
– Theo nguyên tắc nhất quán, các chính sách, phương pháp kế toán doanh nghiệp đã chọn phải được áp dụng nhất quán từ kì này sang kì khác. Chỉ nên thay đổi chính sách và phương pháp kế toán khi có lý do đặc biệt và ít nhất phải sang kỳ kế toán sau. Trường hợp có sự thay đổi chính sách và phương pháp kế toán đã chọn, phải giải trình lý do (Thông báo với cơ quan thuế) và công bố đầy đủ ảnh hưởng của sự thay đổi đó về giá trị trong các báo cáo tài chính.
– Nguyên tắc nhất quán đảm báo cho thông tin mang tính ổn định và có thể so sánh được giữa các kỳ kế toán với nhau và giữa kế hoạch, dự toán với thực hiện. Trường hợp thay đổi chính sách và phương pháp kế toán thường do doanh nghiệp chuyển đổi hình thức sở hữu, thay đổi kế toán…
Nguyên tắc thận trọng
– Nội dung thận trọng là việc phải xem xét, cân nhắc, có những phán đoán cần thiết để lập các ước tính kế toán trong các điều kiện không chắc chắn. Nguyên tắc thận trọng yêu cầu việc ghi tăng vốn chủ sở hữu chỉ được thực hiện khi có bằng chứng chắc chắn; còn việc ghi giảm vốn chủ sở hữu phải được ghi nhận từ khi có chứng cứ về khả năng có thể xảy ra.
– Đặc điểm Theo nguyên tắc thận trọng, kế toán cần:
+ Phải lập các khoản dự phòng đúng nguyên tắc quy định: lập dự phòng không phản ánh cao hơn giá trị tài sản thực tế có thể thực hiện. Do thực tế các khoản tổn thất đã phát sinh (hoặc nhiều khả năng đã phát sinh) nên cần phải lập dự phòng (trích vào chi phí) để đảm bảo tính phù hợp giữa doanh thu và chi phí thực tế. Đảm bảo tính đúng kỳ của chi phí.
Lập dự phòng còn đảm bảo doanh nghiệp không có sự biến động lớn về vốn kinh doanh (có nguồn để bù đắp) khi xảy ra tổn thất.
+ Không đánh giá cao hơn giá trị của các tài sản và các khoản thu nhập.
+ Không đánh giá thấp hơn giá trị của các khoản nợ phải trả và chi phí.
+ Doanh thu và thu nhập chỉ ghi nhận khi có các bằng chứng chắc chắn.
+ Chi phí phải được ghi nhận khi có bằng chứng về khả năng phát sinh chi phí. Tuân thủ nguyên tắc thận trọng sẽ giúp cho doanh nghiệp bảo toàn nguồn vốn, hạn chế rủi ro và khả năng hoạt động liên tục.
Nguyên tắc trọng yếu
– Nội dung nguyên tắc trọng yếu chỉ rõ kế toán phải thu thập, xử lý và cung cấp đầy đủ những thông tin có tính chất trọng yếu; còn những thông tin không mang tính chất trọng yếu; ít có tác dụng hoặc có ảnh hưởng không đáng kể tới quyết định của người sử dụng thì có thể bỏ qua.
– Đặc điểm Thông tin được coi là trọng yếu trong trường hợp nếu thiếu thông tin hoặc thông tin thiếu độ chính xác có thể làm sai lệch đáng kể Báo cáo tài chính; làm ảnh hưởng đến quyết định kinh tế của người sử dụng thông tin. Tính trọng yếu của thông tin được xem xét trên cả phương diện định lượng và định tính; nó phụ thuộc vào độ lớn và tính chất thông tin hoặc các sai sót kế toán được đánh giá trong hoàn cảnh cụ thể
Nguyên tắc này được kế toán viên vận dụng vào trong việc trình bày trên báo cáo tài chính. Những khoản mục có cùng nội dung; bản chất kinh tế, không phụ thuộc vào quy mô có thể gộp lại thành một khoản mục. Song bên cạnh đó; có những khoản mục quy mô nhỏ nhưng lại có nội dung; bản chất kinh tế riêng biệt, mang tính trọng yếu và phải được trình bày riêng biệt trên BCTT.
Nguyên tắc cơ sở dồn tích
Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính của doanh nghiệp liên quan đến tài sản; nợ phải trả; nguồn vốn chủ sở hữu; doanh thu; chi phí phải được ghi sổ kế toán vào thời điểm phát sinh; không căn cứ vào thời điểm thực tế thu hoặc thực tế chi tiền hoặc tương đương tiền. Báo cáo tài chính lập trên cơ sở dồn tích phản ánh tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Nguyên tắc hoạt động liên tục
Báo cáo tài chính phải được lập trên cơ sở giả định là doanh nghiệp đang hoạt động liên tục và sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần; nghĩa là doanh nghiệp không có ý định cũng như không buộc phải ngừng hoạt động hoặc phải thu hẹp đáng kể quy mô hoạt động của mình. Trường hợp thực tế khác với giả định hoạt động liên tục thì báo cáo tài chính phải lập trên một cơ sở khác và phải giải thích cơ sở đã sử dụng để lập báo cáo tài chính.
Đặc điểm Giả thiết doanh nghiệp hoạt động liên tục liên quan đến việc phản ánh tài sản, thu nhập, chi phí của doanh nghiệp theo giá gốc không phản ánh theo giá thị trường. Mặc dù; giá thị trường của của những tài sản mà doanh nghiệp mua về có thể thay đổi theo thời gian.
Giả thiết này được đặt ra với lập luận doanh nghiệp hoạt động liên tục nên tài sản được sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh và không được bán nên giá thị trường của tài sản là không phù hợp và không cần thiết để phản ánh. Nếu phản ánh tài sản theo giá thực tế; báo cáo tài chính của đơn vị chỉ phản ánh được tình hình tài chính của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại mà thôi.
Nguyên tắc này còn làm cơ sở cho các phương pháp tính hao mòn để phân chia giá trị tài sản cố định vào các chi phí hoạt động của doanh nghiệp theo thời gian hoạt động của nó. Trường hợp; khi doanh nghiệp chuẩn bị bán, sáp nhập, giải thể…thì nguyên tắc hoạt động liên tục sẽ không được vận dụng vào việc lập báo cáo tài chính. Ở đây; các tài sản của doanh nghiệp sẽ phản ánh theo giá thị trường.
Nguyên tắc giá gốc
Theo nguyên tắc này, tài sản phải được kế toán theo giá gốc; trong đó giá gốc của tài sản được tính theo số tiền hoặc tương đương tiền mà doanh nghiệp đã trả, phải trả hoặc tính theo giá trị hợp lý của tài sản đó vào thời điểm tài sản được ghi nhận. Giá gốc của tài sản không được thay đổi trừ khi có quy định khác trong chuẩn mực kế toán cụ thể.
Giá trị các chỉ tiêu về tài sản, công nợ, chi phí,… được phản ánh theo giá ở thời điểm mua tài sản đó, không phải giá trị tại thời điểm xác định giá tài sản tính theo giá thị trường. Nguyên giá của tài sản cố định hữu hình mua ngoài được doanh nghiệp xác đinh dựa vào nguồn hình thành tài sản:
Nguyên giá = Giá mua tính trên hóa đơn + Chi phí lắp đặt, chạy thử – Chiết khấu giảm giá (nếu có)
Nguyên tắc công khai
Nguyên tắc này đòi hỏi báo cáo tài chính của doanh nghiệp phải rõ ràng; dễ hiểu và phải bao gồm đầy đủ các thông tin liên quan đến các hoạt động của doanh nghiệp. Những báo cáo này phải được trình bày công khai cho tất cả những người sử dụng.
Thực thể kinh doanh
Thực thể kinh doanh là bất kỳ một đơn vị kinh tế nào nắm trong tay các tiềm lực và tiến hành các hoạt động kinh doanh cần phải ghi chép, tổng hợp báo cáo.
Thước đo tiền tệ
Là đơn vị đồng nhất trong việc tính toán, ghi chép các nghiệp vụ kinh tế phát sinh; kế toán chỉ phản ánh những gì biểu hiện được bằng tiền. Tiền được sử dụng như một đơn vị đo lường cơ bản trong các báo cáo tài chính.
Kỳ kế toán
Là những khoản thời gian nhất định mà trong đó các báo cáo tài chính được lập. Để thuận lợi cho việc so sánh; thời gian của các kỳ kế toán thường dài như nhau (tháng, quý, năm).
Trên đây là những nguyên tắc kế toán mà bất cứ kế toán viên nào cũng phải nắm rõ. Là một sinh viên xuất sắc ở trường đại học không hoàn toàn có thể giúp bạn thành công nhưng nếu là một kế toán viên chăm chỉ và luôn biết cố gắng trau dồi, học hỏi bạn nhất định sẽ là một kế toán viên hoàn hảo.